Mảnh đời bị khuyết
Ngày nó còn tí xíu, mẹ hay đùa: “Nếu bị bà dồn đánh, nhớ gào to vào: Bà ơi, lớn lên cháu nuôi bà”.
Những ngày mẹ chạy chợ lấy tiền đong gạo, nó ở nhà với bà ngoại, cứ sau ngày mưa, hai bà cháu lại dắt nhau đi kiếm củi, vơ lá, về phơi khô để đun.
Sáng sáng nó đi ra bãi đất tốt gần ruộng để hái những ngọn cây non cho thỏ ăn, bà dặn nó cố chăm thỏ cho tốt, để bán được còn mua sách vở. Có lúc nó lại lẽo đẽo bưng cái mẹt, cùng bà đi bán rau, hoa quả nhà trồng hoặc hý hoáy cùng ông đan lồng chim, rổ rá, nong nia…để bán. Tất cả xoay xở bằng mọi cách để có tiền cho nó ăn, học. Thủa đói khổ ấy nó quên sao được.
Năm tháng trôi, mỗi lần nó rụt rè hỏi, nhằm xác thực những lời đôi khi người lớn vô tình hay cố ý đem lại, đều bắt gặp ánh mắt hoe đỏ của mẹ, tiếng thở dài của bà bên cái nhìn oán giận của ông, nó nén lòng mình không dám tò mò thêm về bố.
Song nó mơ hồ cảm nhận đó là người không tốt. Bởi một lần vô tình nó biết, ông ấy sống cách có non mười cây số, vậy mà chưa hề có ý định gặp nó, dù chỉ để hỏi thăm hay gửi cho con tấm bánh đồng quà.
Mãi đến khi trở thành sinh viên, nó mới được biết tận tường mọi chuyện:
Ngày ấy bố nó lúc nào cũng mải mê với bao canh bạc thâu đêm, vui vẻ cùng các cô gái và những cuộc rượu chỉ tàn khi trời hửng sáng. Những niềm đam mê ấy không gì có thể thay thế, kể cả vợ con. Bố không đưa mẹ nổi một đồng, thậm chí còn nạy tủ mang đi hòng phục vụ cho thú vui ích kỷ, để mặc mẹ nó với cái nhìn khinh miệt của mẹ chồng, cho đến ngày bà đuổi mẹ con nó đi, khi ấy bào thai trong bụng mới được hơn bốn tháng.
Ngày bước chân ra khỏi ngôi nhà đó, mẹ nó đã nhủ thầm, nỗi “hận” này không bao giờ có thể quên. Nhưng chỉ có một sự trả thù sâu cay nhất là nuôi con khôn lớn, chăm ngoan thành tài để cả gia đình họ biết rằng không có bố, không có gia đình bên nội nó vẫn có thể lớn lên thành người.
Người đàn ông mà nó gọi là bố đã lấy ngay vợ khác, rồi có con. Gần đây ông ta phát hiện ra cả nhà nhiễm căn bệnh thế kỷ, chết chắc trong nay mai, liền sực nhớ còn có nó là con trên đời nên đánh tiếng để lần mò tìm đến kêu nó về hương khói. Mẹ để nó tự quyết định vì tin nó đã đủ lớn và sáng suốt.
Nó lặng lẽ bỏ vào buồng trong. Lòng mênh mang nhớ lại những ngày xưa ấy, khi nó đã bắt đầu biết nhận thức, đủ để hiểu rằng công ơn ông bà ngoại và mẹ đã vất vả nuôi mình chẳng gì sánh được. Những bộ quần áo của nó đến bây giờ, tất cả đều là của đi xin song vô cùng ấm áp nghĩa tình của những người dưng nước lã. Vậy khi ấy người có cùng dòng máu với nó ở đâu?
Nó dần hiểu những việc đã qua, những nhọc nhằn tủi cực, những đớn đau giằng xé từ trong tim, những dằn vặt xót xa cho đứa con thiệt thòi, mẹ nó đã gắng bù đắp, gạt bỏ hết niềm riêng để vật lộn với cuộc đời, nuôi con khôn lớn. Những hi sinh ấy cùng nỗi đau ấy dễ dàng được xóa nhòa chỉ bằng một câu xin lỗi, mong được tha thứ, bỏ qua ư?
Trời đã khuya, ông ngoại vẫn ngồi uống trà ngoài sân, vừa lúi húi đan rổ, rá còn bà nó thì cặm cụi bó rau ngót sớm mai đi bán. Mẹ nó tư lự, ngồi bó gối ở góc giường, tự dưng nước mắt nó ào ra, nó nói to: “Đây là nhà con, con không đi đâu hết. Bà ơi, sau này cháu nuôi bà!”. Câu nói ngày nào nó bi bô thốt ra ai cũng cười, vậy mà hôm nay nghe xong, bà nó khóc!
Gốc Tâm Hồn
Sưu Tâm