Vòng ảnh hưởng của bạn rộng đến đâu?

Chào các bạn,
Trong tiếng Anh có từ circle of influence. Từ này có nhiều nghĩa rất khác nhau. Trong bài này chúng ta hiểu nghĩa “vòng ảnh hưởng” của bạn là tất cả những người mà bạn có thể có ảnh hưởng, nghĩa là lời nói của bạn có thể được họ nghe kỹ một tí, lời nói của bạn có được ảnh hưởng trên những người đó không ít thì nhiều.

Không cần nói dài dòng thì có lẽ chúng ta cũng có thể thấy ngay là người nào có vòng ảnh hưởng càng lớn thì càng dễ thành công trên đời. Nếu lời nói của mình có được nhiều người nghe thì gọi người hùn vốn cũng dễ, bán hàng cũng dễ, tìm partner khởi động một dự án cũng dễ… Nói chung là bàn chuyện gì cũng dễ hơn là người có vòng ảnh hưởng bé xíu.
Nhưng làm thế nào để có một vòng ảnh hưởng lớn?

Câu trả lời rất giản dị, phải không các bạn? Chỉ cần hai điều: Bạn chỉ cần làm cho nhiều người biết đến bạn, và những người đó trân trọng lời nói của bạn.
1. Làm cho nhiều người biết đến mình.
Ngồi ôm sách một mình cả ngày thì ít người biết đến. Nhất định là phải giao lưu với thế giới bên ngoài thôi. Chúng ta cần chung đụng với nhiều người để quen biết thêm nhiều người. Chẳng còn cách nào khác:

• Đi làm (bán thời gian nếu còn bận học). Tiếp viên nhà hàng là việc l‎ý tưởng nhất để sinh viên các lớp thấp khởi đầu. Công việc này gặp cả trăm người một ngày, và thường là thực khách chỉ cần nhìn phong cách một (sinh viên) tiếp viên làm việc là có thể biết được mình có muốn cô ấy làm kỹ sư cho mình khi cô ra trường không.
• Xung phong làm việc không lương cho các quí vị có thẩm quyền (như tìm tài liệu giúp một giáo sư đang viết về một đề tài)—vừa để học thêm kinh nghiệm vừa được các vị giới thiệu đường đi nước bước sau này.
• Xung phong trong các công tác thiện nguyện, thanh niên, sinh viên, học sinh v.v…
• Xung phong trong các công việc trong các tổ chức có sẵn: Nhà thờ, nhà chùa, trường học, v.v…
• Chơi thể thao và các hoat động văn hóa nghệ thuật (vũ, yoga, etc…)
• Thảo luận trong các diễn đàn.
• Post bài trong các diễn đàn, Internet site, hay các loại báo chí khác.


2. Làm cho mọi người trân trọng lời nói của mình
Phần này là phần chính, phải không các bạn? Nếu mình quen 1000 ngưởi mà 1001 người không tin mình thì cũng vô ích. Thà là chỉ quen 5 người nhưng cả 5 người đều trân trọng lời nói của mình.

Nhưng làm thế nào để mọi người trân trọng lời nói của mình?
Câu trả lời cũng giản dị: Mọi người trân trọng lời nói của ta nếu lời nói của ta đáng tin cậy.
Nhưng làm thế nào để lời nói ta đáng tin cậy?

Thưa:
• Điều thứ nhất, và là điều quan trọng nhất–Thành thật. Thành thật là kim cương trong thế giới thương mãi và chính trị. Không có gì có thể so sánh được với thành thật.
Biết thì nói là biết, không biết thì nói là không biết. Xanh thì nói là xanh, đỏ thì nói là đỏ.
Chúng ta đã nói đến chuyện này trong bài Làm thế nào để thành thật ?
• Điều thứ hai là nói năng rất chính xác và rõ ràng, dùng từ cẩn thận. Và điều này thường có nghĩa là nói chi tiết một tí: Ví dụ: “Em cũng không rành vụ này lắm, nhưng đã Google vào đến năm bảy websites vể thực phẩm và sức khỏe, và các sites này đều nói là Atisô làm sạch gan.” (Thay vì chỉ nói “Atisô tốt gan”). Hay “Em nghe loáng thoáng là cà phê có hại cho sức khỏe, nhưng em không rành mấy. Để mai mốt em research xem sao.” (Thay vì chỉ nói “Cà phê có hại cho sức khỏe”).
Nếu cần thì nói chậm lại, để tìm từ nói cho chính xác.

• Nếu lỡ nói sai thì xin lỗi và chỉnh lại. Ví dụ: Hôm qua em nói với chị là Việt Nam đã có thuốc ngừa H1N1, hôm nay đọc lại thì thấy không đúng, đó là ở Anh quốc chứ không phải Việt Nam. Em nhớ nhầm.
• Giữ lời hứa. Nếu hẹn ngày mai 8 giờ đến thì 8 giờ (tốt hơn làm 8 giờ kém 5) có mặt, dù là đang có động đất. Có trường hợp khẩn cấp thì gọi điện cáo lỗi, nhưng trường hợp khẩn cấp không có hơn một lần một năm. Cáo lỗi thường quá sẽ đồng nghĩa với không thành thật, không giữ lời hứa.

Lời hứa là lời hứa, nó chẳng lệ thuộc đến loại công việc hay tiền bạc. Ví dụ: Bạn hứa với một tổ chức từ thiện là sẽ xung phong làm việc không công 2 giờ một tuần, thì làm đúng 2 giờ một tuần, với phẩm chất như được trả lương 1000 đô một giờ. Đừng coi thường lời hứa của mình.

Đừng hứa hơn mình có thể giữ. Ví dụ: Em ủng hộ dự án của chị hết mình. Em hứa là sẽ cố gắng hết mình để thuyết phục sếp em. Nhưng em chưa nói chuyện với anh ấy nên không chắc anh ấy sẽ nghĩ thế nào. Không bảo đảm cho chị được. Nhưng chắc chắn là em sẽ cố gắng hết mình.
• Thông tin thường xuyên và chính xác. Ví dụ: Em đang trên đường đến nhà chị đây, nhưng ở Hai Bà Trưng và Trần Hưng Đạo đang bị kẹt xe dữ quá, em không nhúc nhích được, chắc phải trễ khỏang 20 phút. Em sẽ gọi lại chị khi đường thông.

• Điều cuối cùng, nhưng quan trọng số hai. Nghe cho kỹ, và hỏi lại cho kỹ. Không nghe cẩn thận và không hỏi lại để chắc chắn ta hiểu ‎y’ người nói, thường làm cho ta gây nên nhiều hiểu lầm. Ví dụ: Bạn mình nói “Ngày mai nếu trời không mưa em đến nhà chị”. Ngày mai trời mưa nhưng mình đợi cả ngày, không thấy gì, gọi đến thoại đến trách bạn, “Sao nói đến không đến, tớ ngồi đợi cả ngày?”

Người nghe không kỹ, và không hỏi lại cho kỹ, thường có tác phong gần giống như người hay nói dối, dù là họ không nói dối.

Tóm lại, các chi tiết thì nói ra hơi nhiều, nhưng chủ đích thì rất giản dị: Làm cho lời nói của mình đáng tin cậy đối với người nghe.

Trong thế giới thương mãi, kinh tế và chính trị, không có gì đáng giá bằng lời nói đáng tin cậy–lời nói đáng tin cậy quí và hiếm hơn kim cương trong các thế giới đó, vì vậy nó rất được trân trọng.

Nếu có được nhiều người quen biết và ai cũng tin lời nói của bạn, tin bạn ngay cả khi người ta không đồng ‎ý với bạn, thì làm sao bạn có thể không thành công được?

Nguồn Sưu Tầm


Đăng nhận xét

• Bạn có thể để lại lời nhận xét (comment) mà không cần tài khoản.
• Nếu máy bạn không có sẵn bộ gõ, bạn có thể dùng Bộ gõ Online.
• Vui lòng ghi đầy đủ dấu. Tránh các nhận xét vô nghĩa, lạc đề, xúc xiểm, trái thuần phong mĩ tục và vi phạm luật pháp nhà nước Việt Nam.
• Mọi comment vi phạm sẽ bị xoá mà không cần báo trước.