10 Sai Lầm Khiến Bạn "Mất Việc Như Chơi"

Phải mất hàng tuần, thậm chí hàng tháng hoạt động vất vả, bạn mới tìm được công việc “trong mơ” của mình. Tuy nhiên, chỉ vì một (hoặc một số) sai lầm nhỏ, bạn có thể phải quay lại quá trình tìm việc mới. 
Để tránh khỏi “thảm hoạ” đó, hãy tránh các sai lầm sau:

1. Không tìm hiểu kĩ công việc của mình:
Chỉ vì bất cẩn, không tìm hiểu kĩ công việc, bạn đã gây ra một lỗi lớn. Nếu may mắn, sai lầm đó không nghiêm trọng, bạn có thể chỉ bị cảnh cáo và tiếp tục công việc của mình. Ngược lại, nếu sai lầm của bạn gây ra tổn thất cho công ty, bạn không những bị sa thải mà còn có thể phải bồi thường. Vì vậy, trước khi bắt tay vào việc, hãy tìm hiểu thật kĩ và tập trung hoàn thành nó. Nếu có điểm chưa rõ ràng, hãy thẳng thắn chia sẻ với sếp để rõ ràng mọi việc.

2. Thường xuyên nói: “Đó không phải việc thuộc phần mô tả công việc của tôi”:
Ai cũng có những giới hạn nhất định và đôi khi chúng ta nên vượt qua nó. Trong công việc cũng vậy, nếu sếp hay đồng nghiệp nhờ bạn việc gì đó, đừng vội đáp lại:" Đó không phải việc thuộc phần mô tả công việc của tôi". Làm như vậy, sớm hay muộn, sếp bạn sẽ tìm người khác linh hoạt và năng động hơn để thay thế bạn.

3. Cầm “nhầm” đồ cơ quan về nhà:
Bạn nghĩ rằng đó chỉ là những vật vặt vãnh như chiếc bút hay tập giấy, dập ghim… Nhưng hành động đó được coi là ăn cắp vặt. Nếu bị mọi người phát hiện, bạn sẽ bị sa thải ngay lập tức.


4. Lạm dụng công nghệ của công ty:
Bạn nghĩ rằng không ai biết mình đang chát chít với bạn bè, lướt web thay vì làm việc. Nhưng hãy cẩn thận. Hầu hết các công ty đều có chương trình giám sát email và sử dụng Internet của nhân viên. Do đó, đừng lạm dụng công nghệ của công ty vì mục đích cá nhân.

5. Phàn nàn về công việc của bạn:
Dù được trả lương thấp hay công việc quá vất vả, đó là sự lựa chọn của bạn. Tại sao bạn không tìm cách cải thiện tình hình thay vì thường xuyên kêu ca phàn nàn với mọi người? Nếu việc này được phản ánh với sếp, anh/ cô ấy sẽ giúp đỡ bằng cách để bạn ra đi tìm công việc mới.

6. Quên đi sức mạnh tập thể để chạy theo chủ nghĩa cá nhân
Không ai muốn làm việc với người ích kỉ, kiêu ngạo. Những người theo chủ nghĩa cá nhân thường bị mọi người xa lánh và khó đạt được thành công. Do đó, bạn nên hoà đồng với tập thể và trở thành một thành viên tích cực trong nhóm.

7. Để cuộc sống cá nhân ảnh hưởng tới công việc:
Bạn nên phân biệt rạch ròi giữa công việc với cuộc sống riêng. Mang chuyện nhà tới công sở không những ảnh hưởng tới hiệu quả công việc của bạn mà còn làm phiền tới đồng nghiệp khác. Vì vậy, hãy hạn chế tối đa các cuộc gọi cá nhân và việc gia đình trong giờ làm việc.

8. Làm việc một cách qua loa:
Bạn thường xuyên đi làm muộn, về sớm, trong giờ làm việc lại không tập trung. Bạn đang chứng tỏ với sếp rằng mình ít quan tâm tới công việc và sự phát triển nghề nghiệp. Và cuối cùng, sếp sẽ mất niềm tin ở bạn và để bạn ra đi.

9. Thường xuyên không hoàn thành công việc đúng hạn:
Khi bạn trì hoãn, những người khác cũng sẽ bị ảnh hưởng. Bạn sẽ gây cản trở cho cả nhóm. Và tất nhiên, không ai muốn có chướng ngại vật như vậy.

10. Hay “buôn chuyện”:
Khi bạn nghe được một câu chuyện không chính xác, đừng truyền bá chúng. Bạn đang phá hoại hình ảnh chuyên nghiệp của mình. Người quản lí sẽ không thích nhân viên hay đưa chuyện và sẽ ngăn chặn bằng cách đưa ra quyết định cho thôi việc người đó. Do đó, hãy cẩn thận với những câu chuyện tưởng chừng " vô thưởng vô phạt" của bạn.


Đăng nhận xét

• Bạn có thể để lại lời nhận xét (comment) mà không cần tài khoản.
• Nếu máy bạn không có sẵn bộ gõ, bạn có thể dùng Bộ gõ Online.
• Vui lòng ghi đầy đủ dấu. Tránh các nhận xét vô nghĩa, lạc đề, xúc xiểm, trái thuần phong mĩ tục và vi phạm luật pháp nhà nước Việt Nam.
• Mọi comment vi phạm sẽ bị xoá mà không cần báo trước.